Khi vịt bậy ra vàng ở Giao Chỉ

27 May

Khi vịt bậy ra vàng ở Giao Chỉ

By Le Minh Khai

Người dịch: Hoa Quốc Văn

Tôi còn nhớ, khi tôi còn nhỏ, một ngày nọ, bố tôi mang về nhà một cuốn sách mang tên Họ châm những điếu xì gà bằng đồng 5 đô la. Đó là nói về những nông dân nuôi cừu ở Vermontt thế kỉ XIX.

Trong vài thập kỉ ở thế kỉ XIX, Vermont là một trung tâm sản xuất len của thế giới. Cừu Merino được nhập khẩu từ Tây Ban Nha, và bởi nhiều sự kiện khác nhau trong nền kinh tế quốc tế, len Vermont trở nên thống trị thị trường thế giới.

Các nông dân nuôi cừu ở Vermont trở nên giàu có đến nỗi họ “châm những điếu xì gà bằng đồng 5 đô la” (thời đó, 5 đô la là rất nhiều tiền).

Rồi tất cả đều tan vỡ. Người ta bắt đầu nuôi cừu ở Australia, và rất là kinh tế khi làm như vậy bởi có thể nuôi hàng đàn cừu lớn ở những vùng đất rộng lớn.

Người dân ở Vermont chuyển sang sản xuất bơ sữa, nhưng việc đó hóa ra chẳng bao giờ còn là chỗ sinh lợi gần bằng việc nuôi cừu trước kia.

Những cuốn sách như thế cho tôi thấy, lịch sử có thể thú vị đến thế nào, bởi thật ngạc nhiên khi đọc thấy sự giàu có và nghèo khổ đã từng [cùng] tồn tại [một nơi] ở thế kỉ XIX, rồi ngoảnh đi ngoảnh lại và về cơ bản thấy chẳng có bằng chứng gì về nó nữa, ngoại trừ có lẽ những dấu tích của các bức tường đá từng dạy men theo rìa của những bãi chăn cừu.

Khi tôi đọc tiếp cuốn Ngàn năm áo mũ của Trần Quang Đức, tôi lướt qua cái thông tin về một giai đoạn có những chính thể tự trị đầu tiên tồn tại ở Đồng bằng sông Hồng (thế kỉ X-XII sau CN) khiến tôi nhớ về cuốn sách trên kia.

Trần Quang Đức sử dụng nhiều nguồn tư liệu thời Tống, và tìm thấy ở đó một ít thông tin về việc có nhiều vàng như thế nào ở khu vực do các triều đại Việt đầu tiên kiểm soát, hay chính là khu vực được đề cập đến trong các nguồn tư liệu thời Tống với tên Giao Chỉ hoặc An Nam.

Chẳng hạn, khi các vua chúa Việt gửi tấu bẩm đến Hoàng đế nhà Tống,  văn bản trong các tấu bẩm này được viết bằng vàng. Người Giao Chỉ/An Nam mua nô lệ từ các khu vực phía Nam đế chế Tống (có lẽ một phần để  đưa vào làm việc trong các mỏ vàng). Và tất nhiên, trên trang phục của giới tinh hoa cầm quyền (chủ đề trong sách của Trần Quang Đức) có nhiều vàng.

Điều tôi thấy thú vị ở đây là: tôi nghĩa mình đã có một hình dung trong đầu về những triều đại Việt đầu tiên là nhỏ và đang đấu tranh để thiết lập quyền kiểm soát của họ ở khu vực này. Trong khi điều đó có vẻ vẫn là sự thật, thì một điều tôi chưa bao giờ nhận ra là… họ rất giàu (hay ít nhất một ai đó ở đó rất giàu).

Không có gì giúp tôi mường tượng về điều đó tốt hơn là một đoạn văn trong cuốn Lĩnh ngoại đại đáp của Chu Khứ Phi mà Trần Quang Đức trích dẫn. Trong sách này, Chu Khứ Phi viết về những vùng đất phía Nam của đế chế Tống vào thế kỉ XII.

Trong một đoạn văn, ông kể rằng biên giới giữa đế chế Tống và Đại Việt được đánh dấu ở một vùng bằng một con sông, và ông nói rằng những con vịt và ngỗng có thể bơi thoải mái qua bên phía Giao Chỉ để kiếm ăn sau đó bơi về.

Sau khi quay về, chúng sẽ làm cái việc mà những con vịt và ngỗng thường làm – đó là ị. Và trong phân/cứt của chúng, theo Chu Khứ Phi, có thể tìm thấy nhiều vàng. Rõ ràng có khá nhiều vàng (có lẽ là vàng cám) trôi trong nước,v.v… đến nỗi những con ngỗng và vịt đã ăn vào rồi sau đó “thải ra”  khi chúng quay về nhà.

[. . .vịt ngan bơi đến bến nước Giao Chỉ tìm ăn rồi quay về, trong phân có lẫn vàng, ở bến nước trong địa phận nước ta thì không có.

. . . 鵝鴨之屬至交趾水濱遊食而歸者,遺糞類得金,在吾境水濱則無矣。]

Image

Thật ngạc nhiên!

Tôi thực sự thích hình ảnh “những con vịt ị vàng”, bởi vì ý niệm đó giúp tôi tưởng tượng về một thời điểm có một lượng vàng rất lớn xung quanh đó. Cũng giống như những nông dân nuôi cừu ở Vermont thế kỉ XIX đã có nhiều tiền đến nỗi họ có thể châm điếu xì gà bằng đồng 5 đô la, người dân Giao Chỉ ở thế kỉ XII rõ ràng cũng có nhiều vàng quanh mình đến nỗi họ không quan tâm đến việc những chú vịt của mình, hay vịt của người khác bởi qua đường biên giới, ăn rồi ị ra vàng.

Cuối cùng, dĩ nhiên có một mặt dưới hay mặt ẩn, đối với những thời điểm như thế, khi mà sự giàu có nhiều như thế có thể đạt được [bởi ai đó]. Nếu ai đó có thể trở nên giàu có dễ sợ như vậy, thì thường có một dịp tốt để ai đó khác đang bị bóc lột. Hẳn có một mặt tối đối với ngành công nghiệp [lông] cừu ở Vermont, và trong trường hợp Giao Chỉ, những người nô lệ  đang được mua kia có lẽ cũng là chỉ dấu cho thấy sự bóc lột ở đó.

Sự siêu giàu giành được từ các sản phẩm như len hoặc vàng cũng có thể biến mất nhanh khi mà các mạng lưới thương mại thay đổi hay khi các nguồn [hàng] cạn kiệt, và điều đó có thể có một tác động gây chấn thương tâm lí trong đời sống con người.

Ngày nay tôi không nghĩ rằng những con vịt ở Việt Nam còn ị ra vàng chút nào. Vì vậy có cái gì đó đã thay đổi ở một thời điểm nào đó. Tôi tò mò về thời điểm xảy ra, cách thức xảy ra, và tác động của nó lên con người ở khu vực này.

Nguồn: http://leminhkhai.wordpress.com/2013/05/27/when-ducks-shit-gold-in-giao-chi/

2 Responses to “Khi vịt bậy ra vàng ở Giao Chỉ”

  1. leminhkhai May 27, 2013 at 9:04 am #

    Hoa Quốc Văn ôi, “to light a cigar with a five dollar bill” co nghia la nhu the nay:

Leave a comment