Tag Archives: Phạm Phục Trai; Khải Đồng thuyết ước; thay đổi tư duy; đầu thế kỉ XX; cải cách

Hiện tượng “sách giáo khoa hóa” quá khứ ở Việt Nam

8 May

Hiện tượng “sách giáo khoa hóa” quá khứ ở Việt Nam

By Le Minh Khai

Người dịch: Hoa Quốc Văn

Từ lâu tôi đã nghĩ rằng thập kỉ đầu hay đại loại như thế của thế kỉ XX là giai đoạn quan trọng nhất đối với bất cứ ai muốn nghiên cứu để tìm hiểu lịch sử Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến nay đó là thập kỉ mà chúng ta thực ra biết rất ít.

Tại sao lại có tình huống đó?

Tôi cho rằng là bởi vì thập kỉ đầu thế kỉ XX là một thời đoạn có sự biến đổi ghê gớm. Những nhà cải cách lúc bấy giờ rất hứng thú với sự thay đổi cách nghĩ của người dân. Rốt cuộc, họ đã thành công. Trên thực tế, họ đã thành công đến nỗi khi những người ở các giai đoạn sau nhìn lại và cố gắng viết về giai đoạn này và [các giai đoạn] sớm hơn, họ không thể viết được bởi vì họ không còn nhìn thế giới như những người ở các giai đoạn trước đã nhìn.

Hãy để tôi đưa ra một ví dụ về điều tôi đề cập. Đây là một đoạn văn trong một luận văn được hoàn thành năm 1965 ở Đại học Denver. Người viết là Phan Thien Long Chau. Tôi không biết người này là ai, và tôi chọn đoạn văn này đơn thuần là bởi tôi đã thấy những phát biểu như thế ở nhiều cuốn sách khác.

Trong khi bàn về những sự thay đổi xảy ra ở đầu thế kỉ XX, tác giả này đề cập đến sự va chạm giữa sự cai trị của thực dân và “sự đứt gãy của xã hội Việt Nam cổ truyền vốn dựa vào năm mối quan hệ xã hội theo Khổng giáo và bốn tầng lớp xã hội truyền thống”.

Vâng, vậy là có sự thật rằng những mối quan hệ nhất định (“cương thường” 綱常) được xem là quan trọng, và cũng có sự thật rằng trong nhiều hoàn cảnh người dân ở mảnh đất này được quy vào các khái niệm về bốn kiểu dân khác nhau (tứ dân 四民), nhưng liệu đó có phải là cái mà xã hội đó đã “dựa vào”? Có phải những khái niệm ấy quan trọng đến nỗi chúng luôn hiện diện trong tâm trí người ta? Và liệu người dân lúc bấy giờ đã lột tả thế giới của họ bằng cách tóm gọn nó lại trong hai khái niệm ấy?

Cách dùng các khái niệm như thế để lột tả quá khứ là cái mà tôi coi là hiện tượng “sách giáo khoa hóa” (tiếng Việt của tác giả – HQV) quá khứ. Cái ý niệm cho rằng bạn có thể định nghĩa rành mạch những thứ mà một xã hội dựa vào và lập danh sách hay liệt kê thông tin đó là một ý tưởng phù hợp với công việc của người viết các sách giáo khoa.

Các cuốn sách giáo khoa thu nhận sự thực và dán nhãn cho nó một cách gọn gàng rồi phân loại nó để cho người ta dễ hiểu. Tuy nhiên, vấn đề là sự thực không hề dễ hiểu, và vì vậy sự giải thích trong sách giáo khoa rốt cuộc giới hạn hiểu biết của chúng ta về thế giới.

Đây thực sự không phải là vấn đề, miễn là có những cuốn sách khác giải thích các sự vật chi tiết hơn. Nó chỉ có vấn đề khi mà tất cả những gì người ta biết về điều gì đó là một sự giải thích của sách giáo khoa. Thật không may, điều này ít hay nhiều là trường hợp đã xảy ra với nhiều công trình về lịch sử Việt nam trước thế kỉ XX.

Hãy nhìn vào những gì một học giả  Việt Nam đã viết ở thế kỉ XIX về vị trí địa lí của đế chế họ Nguyễn.

Năm 1853, một học giả có tên là Phạm Phục Trai đã viết và công bố một cuốn sách giáo khoa cho trẻ em cung cấp thông tin về địa dư lãnh thổ triều Nguyễn. Cuốn sách của ông có tên Bài học cơ bản dùng để khai trí cho trẻ em (Khải đồng thuyết ước 啟童說約).

Khi bàn về đất đai, Phạm Phục Trai bắt đầu bằng viết bàn về sự tạo thành đất đai và rồi tiếp tục tìm hiểu về thế giới được nhìn từ vị trí thuận lợi là Trung Quốc (hay cái tôi gọi trong bài trước là “Trung Tâm”) trước khi thực sự chuyển sang nói về lãnh thổ của vương triều Nguyễn.

Khi bàn về thế giới (được nhìn từ Trung Quốc), Phạm Phục Trai lưu ý rằng “ở miền Tây Bắc có nhiều núi, và ở miền Đông Nam có nhiều nước”. Ông cũng lưu ý rằng những sự phân chia lãnh thổ sở dĩ tồn tại là nhằm phân biệt vùng Di (Trung văn., Yi 夷) với vùng Hạ (Trung văn., Xia 夏), nơi “bên ngoài là Di và bên trong là Hạ”.

Các học giả phương Tây đã dịch khái niệm Hạ/Xia và Di/Yi lần lượt thành “người Trung Hoa” và “người man di”. Tuy nhiên, Phạm Phục Trai rõ ràng tự xem mình là một người thuộc “vùng Hạ” ở phần bên trong của thế giới và ông giải thích vì sao lại có hiện tượng đó khi ông lưu ý rằng “Cõi Việt là một trong những vùng văn hiến, mạch địa lí của nó rất đặc biệt. Núi Hoàng Côn [Lôn] là một mạch tổ, và từ lõi đó, nó chia ra làm 3 [mạch]”.

Phạm Phục Trai tiếp tục lưu ý rằng “Người phương Bắc khẳng đinh rằng những ghi chép của [người] Giao Chỉ [tức Việt Nam] và những nghi lễ của [người] Goryeo [tức Triều Tiên] đã ca tụng lẫn nhau”, và vì vậy điều này chứng tỏ rằng “cõi Việt là một trong những vùng văn hiến”.

Như để lí giải nguyên nhân của trường hợp này, Phạm Phục Trai giải thích rằng đó là bởi tổ mạch phong thủy ở dãy Himalaya, hay ông gọi là dãy núi Hoàng Côn Lôn, và từ tổ mạch này có một mạch chính chạy về Nam quốc nơi mà nó được chia làm 3 nhánh. Bởi vì năng lượng phong thủy này mà Nam quốc được “phận định” là một phần bên trong của vùng Hạ, hơn là thế giới bên ngoài của vùng Di, và sự thừa nhận thực tế này của chính những người phương Bắc đã minh chứng cho điều đó.

Vậy thì cái gì khiến điều này phải liên hệ với “năm mối quan hệ xã hội theo Khổng giáo và 4 tầng lớp xã hội truyền thống”? Không nhiều (ít nhất là không trực tiếp). Tuy nhiên, những ý niệm Phạm Phục Trai thể hiện ở đây là rất cơ bản. Tại sao người ta không nói rằng đó là những dạng ý tưởng mà xã hội thời đó “dựa vào”?

Cuốn sách của Phạm Phục Trai là một cuốn sách giáo khoa. Như tất cả các sách giáo khoa, nó cố gắng đơn giản hóa thông tin và thể hiện nó bằng một phương thức rõ ràng cho dễ hiểu. Điều đó có nghĩa là, chúng ta có thể tìm thấy nhiều công trình ở giai đoạn đó thể hiện những ý niệm tương tự.

Điều quan trọng là cái cách mà ông trình bày thông tin về thế giới lúc bấy giờ rất khác so với cái cách những người ở thế kỉ XX và XXI trình bày thông tin về cùng một thế giới mà Phạm Phục Trai đã sống trong đó.

Tại sao lại như vậy?

Là bởi vì có một sự thay đổi kịch tính đã xảy ra ở thập kỉ đầu của thế kỉ XX. Ở đầu thế kỉ XX, cách mà người Việt Nam tư duy đã thay đổi triệt để, và sau thời điểm đó, phần lớn người dân đã mất khả năng hiểu thế giới như người Việt nam ở thế kỉ XIX đã nhìn. Và họ tiến tới tin vào những lí giải theo kiểu sách giáo khoa giản lược về quá khứ, những lí giải ấy phản ánh những ý niệm về hiện tại hơn là phản ánh những ý niệm về quá khứ.

Nhìn và hiểu sự thay đổi đó có tính phê phán là để hiểu những gì ngày nay chúng ta biết. Chúng ta phải nhìn một cách chính xác vào sự thực tồn tại trước đó và cái cách nó thay đổi về sau, từ đó chúng ta có thể đánh giá về những gì mà ngày nay chúng ta nghĩ rằng chúng ta biết.

Hiện tại, quá nhiều học giả dùng những gì ngày nay chúng ta “biết” để nói về thời đại trước trong khi mọi thứ đã thay đổi. Khi họ làm như vậy, họ kết luận bằng cách nói về điều gì đó giống như là: xã hội “dựa trên năm mối quan hệ xã hội của Khổng giáo và 4 tầng lớp xã hội truyền thống”.

Đó không phải là thế giới mà Phạm Phục Trai đã mô tả. Vâng, ông ấy đã tạo ra một sự giải thích sơ giản về hiện tại. Nhưng mục tiêu của ông là mô tả cái hiện tại. Trong khi đó, ngày nay, nhiều công trình đã được tạo ra – được cho là để nói về quá khứ, nhưng tôi phải nói rằng chúng rốt cuộc cũng (tác giả của chúng có thể nhận ra hoặc không) là những sự giải thích giản hóa về hiện tại.

Nói rằng một xã hội quá khứ dựa trên A và B quả là khiến chúng ta dễ hiểu, và phù hợp với cách nhìn thế giới hôm nay của chúng ta. Việc chúng ta lí giải quá khứ theo cách ấy là một dấu hiệu cho thấy cách chúng ta nghĩ hôm nay.

Phạm Phục Trai lí giải thế giới của ông bằng những cách mà chúng ta ngày nay khó cảm được. Nếu chúng ta thực sự muốn mọi người hiểu về quá khứ, thì cần thiết phải xem xét cái cảm quan đầy sự xa lạ đó.

Làm như thế có thể không khiến chúng ta cảm thấy dễ chịu trong hiện tại, nhưng nó sẽ đưa lại cho chúng ta bức tranh chính xác hơn về quá khứ. Để làm như vậy, chúng ta phải vượt qua những tri thức giáo khoa đã được tạo ra ở thế kỉ XX, và khám phá những gì mà những người như Phạm Phục Trai thực sự đã nghĩ và cách thức thay đổi thế giới tư duy ở thập kỉ đầu của thế kỉ XX.

Image

Image

Image

Nguồn: http://leminhkhai.wordpress.com/2013/05/08/the-textbook-ification-of-the-vietnamese-past/