Archive | August, 2013

Gia Long, Gia Khánh, Càn Long, Gia Định và Thăng Long

30 Aug

Gia Long, Gia Khánh, Càn Long, Gia Định và Thăng Long
By Le Minh Khai
Vào ngày 31 tháng 05 năm 1802, Nguyễn Phúc Ánh, vua đầu tiên của triều Nguyễn tuyên bố rằng Gia Long 嘉隆 sẽ là danh hiệu cho thời kỳ trị vì của ông ta (Đại Nam thực lục, 17/1a-2a). Nhiều công trình bằng tiếng Anh lập luận rằng Nguyễn Ánh chọn tên này để biểu thị rằng chính ông thống nhất toàn bộ khu vực từ “Gia” Định, hay Sài Gòn, đến Thăng “Long”, hay Hà Nội (ví dụ, xem Thomas Hodgkin, Vietnam: The Revolutionary Path [New York: St. Martin’s Press, 1981], 100).
Tuy nhiên, có vấn đề với sự giải thích này. Tôi sẽ trình bày vài điều về chủ đề này ở đây, điều mà tôi đã nghiên cứu và viết cách đây 14 năm. Bây giờ nhìn nhận chủ đề này, và dựa trên thông tin mà tôi có, tôi nhận thấy có một vấn đề nảy sinh, và tôi sẽ thảo luận nó ở phần cuối.
Khoảng thời gian Nguyễn Ánh quyết đinh chọn vương hiệu, một phái đoàn được gửi đến Bắc Kinh để xin cầu phong từ hoàng đế nhà Thanh cho tên gọi này cũng như cho tên gọi mới mà ông ta muốn sử dụng cho vương quốc, Nam Việt, mà tôi đã có dịp thảo luận ở post trước.
Tên Gia Long bao gồm hai ký tự, chữ Gia 嘉, cũng là trùng với tên hiệu của vị hoàng đế nhà Thanh lúc đó là Gia Khánh 嘉慶, trong khi chữ thứ hai, Long 隆, trùng với tên hiệu của vị hoàng đế nhà Thanh trước đó là Càn Long 乾隆. Các viên chức nhà Thanh ở triều đình Bắc Kinh đã quan ngại về điều này và hỏi một trong số thành viên của phái đoàn, Nguyễn Gia Cát 阮嘉吉, tại sao nhà vua của ông ta lại chọn tên này?
Nguyễn Gia Cát đáp lại bằng cách lưu ý rằng, “nước tôi từ thời Trần Lê về trước, bắc nam chia ra cai trị. Quốc vương của chúng tôi hiện nay khởi nghiệp ở Gia Định, hoàn thành sự nghiệp ở Thăng Long, nên lấy hiệu Gia Long, không dám có điều dối trá”. (我國陳黎以前,南北分治。今我國王起於嘉定,成於昇隆,故號嘉隆,徒敢謾也。Anonymous, Bắc Ninh toàn tỉnh địa dư chí 北寧全省地輿誌 [Geographic Gazetteer of Bắc Ninh Province], (1891), A. 2889, 1/24a.)
Nguyễn Gia Cát vì thế lập luận rằng vương hiệu Gia Long bao gồm chữ Gia 嘉, từ Gia Định 嘉定 (hay Sài Gòn) và chữ Long 隆 từ Thăng Long 昇隆 (hay Hà Nội). Tuy nhiên, vào lúc Nguyễn Gia Cát đưa ra lập luận này, chữ Long trong Thăng Long là 龍, nghĩa là rồng, chứ không phải chữ Long 隆 mang nghĩa “thịnh vượng” như chúng ta thấy trong danh hiệu của Gia Long.
Sau đó, năm 1805, Gia Long thực tế đã đổi chữ thứ hai trong tên Thăng Long từ chữ có nghĩa là “rồng” 龍 sang chữ có nghĩa là “thịnh vượng” 隆 để thể hiện ý nghĩa “hòa bình và thịnh vượng” (chữ “thăng” 昇 nghĩa là “thanh bình”.) mà ông cảm nhận được từ toàn bộ lãnh thổ của mình (Đại Nam thực lục, 27/7b).
Đến đây tôi nhận ra thông tin về cuộc đối đáp của Nguyễn Gia Cát xuất hiện trong một công trình năm 1891, Bắc Ninh Toàn Tỉnh địa dư chí. Nó ra đời gần 100 năm sau sự kiện đó. Vậy câu chuyện này đến từ đâu? Liệu nó có được ghi chép trong minh Thực Lục? Tôi không chắc.
Điều chúng ta biết chắc chắn đó là dựa vào Đại Nam Thực Lục, danh hiệu Gia Long được tuyên bố năm 1802 và chữ “Long” trong Thăng Long được đổi vào năm 1805, bằng điều đó, đã đổi chữ “Long” trong “Thăng Long” trùng với chữ “Long” trong Gia Long.
Một điều khác mà chúng ta biết chắc đó là danh hiệu “Gia Long” (ít nhất là ban đầu) không hề có sự liên hệ nào với việc Nguyễn Phúc Ánh thống nhất khu vực từ “Gia” Định đến Thăng “Long”. Nhưng câu chuyện này đến từ đâu, tôi vẫn không chắc.
Nếu ai đó có lời giải thích, hãy cho tôi biết.
(Vũ Đức Liêm dịch)

Nguồn: http://leminhkhai.wordpress.com/2013/08/28/gia-long-jiaqing-qianlong-gia-dinh-and-thang-long/

Nguồn bản dịch: https://www.facebook.com/nguyen15581885/posts/565688996818198

Việt Nam đã trở thành Việt Nam như thế nào

28 Aug

Việt Nam đã trở thành Việt Nam như thế nào
By Le Minh Khai
Tôi liên tục tìm kiếm các viết lách bằng tiếng Anh mà ở đó người ta nói về làm thế nào mà Việt Nam đã được gọi là Việt Nam, và không ai có được một sự mô tả đúng. Không phải tự hào, sự giải thích đúng đắn nhất về điều này mà tôi được biết trong giới học thuật tiếng Anh là công trình mà tôi xuất bản nhiều năm trước đây, nhưng không ai đọc bất cứ điều gì mà tôi xuất bản thông qua kênh hàn lâm, vì thế tôi nghĩ đã đến lúc để đưa các thông tin lên chỗ này chỗ khác nơi có nhiều cơ hội hơn để mọi người sẽ thực sự tiếp cận nó, và đó có thể là ở đây, không gian Internet. 
Phần lớn mọi người dựa vào những gì mà Alexnder Woodside viết cách nay 40 năm trong công trình của ông, Vietnam and the Chinese Model. Tuy nhiên, liên quan đến câu chuyện làm thế nào mà tên gọi Việt Nam đã ra đời, Woodside dựa vào thông tin của Đại Nam Hội Điển vốn sử dụng lại các thông tin từ Đại Nam Thực Lục. Vì thế, để thực sự hiểu được điều gì đã xảy ra (hoặc điều mọi người nói là đã xảy ra), chúng ta cần xem cả các nguồn như Đại Nam Thực Lục cũng như tư liệu của Trung Quốc như Thanh Thực Lục. 
Sauk hi nhà nguyễn lên cầm quyền năm 1802, họ gửi một phái đoán đến Bắc Kinh để yêu cầu tên mới cho vương quốc. Nguyễn Phúc Ánh, người sáng lập của vương quốc là hậu duệ của dòng họ Nguyễn vốn cai trị vùng đất phía nam của nhà Lê (sau đó được mở rộng) trong vòng 200 năm trước đó. Sự cai trị đó là đủ lâu để họ có thể đi đến mô tả về tính chính thống của mình.
Vào cuối thế kỷ XVIII, khi cuộc nổi loạn Tây Sơn kéo theo sự tan rã của hai dòng họ Trịnh Nguyễn, chấm dứt sự can dự của họ vào hoàng gia, các thành viên sống sót của họ Nguyễn cảm thấy những thôi thúc đặc biệt rằng: điều xảy ra với họ là sai trái, và đó là một trong những động lực thôi thúc họ giành lại phần lãnh thổ mà họ tin rằng thuộc về mình một cách chính danh (Đại Nam thực lục, 16/17b).
Tuy nhiên, trong quá trình đó, Nguyễn Phúc Ánh không chỉ lấy lại từ tay Tây Sơn vùng đất của tố tiên mà còn tiến xa hơn về phái bắc, đặc biệt là vùng đất trung tâm của nhà Lê vốn nằm trong tay đối thủ của mình trước đây là họ Trịnh, và sau đó Tây Sơn chinh phục cả chính quyền Trịnh và Lê, dẫn đến việc vua Lê phải lánh nạn sang nhà Thanh, nơi ông ta qua đời.
Với thắng lợi quân sự áp đảo và được thông báo rằng không có hậu duệ nào của nhà Lê lên tiếng về ngai vàng, họ Nguyễn đã tự thiết lập nền cai trị của mình trên vương quốc rộng lớn nhất từng tồn tại ở vùng này. Một lãnh thổ mới như thế dĩ nhiên là xứng đáng một cái tên mới để thể hiện lãnh thổ của họ: “Cương vực mà từ thời Trần Lê trở về trước không thể so bì”. (疆域非陳黎以前之不比, Đại Nam chính biên liệt truyện, 11/2a).
Cùng lúc, nhà Nguyễn không muốn từ bỏ ký ức về vùng đất mà họi gọi là đất đai của tổ tiên. Các vùng đất này nằm ở phía nam của vương quốc mới, vùng đất mà nhiều học giả tin rằng từng là địa bàn cùa bộ Việt Thường越裳, một bộ được mô tả trong các văn bản cổ Trung Hoa. Kết hợp với những vùng đất này là khu vực An Nam安南từng nằm dưới sự cai trị của họ Lê Trịnh.
Như một cách thức để mô tả rằng lãnh thổ mới bao gồm cả hai khu vực này, lớp tinh hoa của triều Nguyễn chọn cách kết hợp “Nam” từ “An Nam” với “Việt” trong “Việt Thường” để tạo ra tên mới, Nam Việt 南越.
Trong khi phái đoàn ngoại giao được gửi đến Bắc Kinh đầu thế kỷ XIX để yêu cầu hoàng đế nhà Thanh cho phép họ Nguyễn tạo ra sự thay đổi này, viên chức của Triều Nguyễn là Trịnh Hoài Đức 鄭懷德 đã đưa vấn đề này ra với các quan chức nhà Thanh ở Quảng Đông (Bang giao lục, 3/12a-b). 
Tổng đốc của tỉnh láng giềng Quảng Tây, Tôn Ngọc Đình 孫玉庭 nghe được điều này và đã kiến nghị về tên gọi này khi liên tưởng đến quốc gia Nam Việt của Triệu Đà từ thế kỷ II TCN vốn bao gồm phần lớn tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây. Tôn lo ngại rằng tên gọi này là dấu hiệu thậm chí còn đáng ngại hơn việc Tây Sơn giúp đỡ các nhóm hải tặc trong vùng. 
Hệ quả là cuối năm 1802 Tôn Ngọc Đình tấu trình lên ngai vàng và kêu gọi hoàng đế không chấp nhận sự thay đổi tên của nhà Nguyễn về vương quốc Nam Việt (Qing shilu, Jiaqing reign, 106/25a). Vị hoàng đến đã chú ý đến kiến nghị của Tôn. 
Vào ngày 18 tháng 6 năm 1803, hoàng đế Gia Khánh嘉慶 nhà Thanh yêu cầu rằng tên gọi mới của vương quốc sẽ là Việt Nam thay vì Nam Việt, và Nguyễn Phúc Ánh được phong vương. Vị hoàng đế lí giải cho quyết định của mình bằng việc lưu ý chữ “Việt” đặt lên đầu để vinh danh lãnh thổ vốn trước kia nằm dưới sự cai trị của tổ tiên họ Nguyễn (Qing shilu, Jiaqing reign, 115/15a). 
Đại Nam thực lục cung cấp thêm chi tiết về bình luận của hoàng đế nhà Thanh. Nó ghi lại việc vị hoàng đế giải thích chữ Việt đứng trước danh hiệu mới nhằm thể hiện rằng vương quốc này là sự tiếp tục của một lãnh thổ trước kia và những người cai trị sẽ tiếp tục con đường của người đi trước. Đối với chữ Nam, nó liên quan đến việc nhà Nguyễn đã mở rộng vùng đất cũ Nam Giao南交, và đã nhận được sự công nhận mới (Đại Nam thực lục, 23/1a).. 
Sau khi can gián để hoàng đế nhà Thanh không chấp thuận việc sử dụng tên Nam Việt, Tôn Ngọc Đình sau đó viết trong một bản tấu gửi triều đình rằng, thêm vào những ý nghĩa trên, tên “Việt Nam”, với ý nghĩa triết tự là “Phía Nam của Việt”, điều này cũng rất tốt vì nó đề cập rằng vùng lãnh thổ này nằm ở phái nam của khu vực nơi mà Bách Việt từng sinh sống, khu vực trải dài từ tỉnh Chiết Giang qua Phúc Kiến, Quảng Đông và Quảng Tây. Bình luận này một lần nữa cho thấy Tôn Ngọc Đình quan tâm đến những mối đe dọa tiềm tàng lên khu vực ông ta cai trị, tình Quảng Tây (Qing shilu, Jiaqing reign, 111/11b).
Thông tin ở trên đến từ công trình tôi nghiên cứu và viết 14 năm trước (tôi nghĩ là lúc đó tôi đã viết một cách đầy văn chương và xúc cảm hơn những gì tôi viết sau này). Tôi không quay lại và kiểm tra lại nguồn dẫn. Tuy nhiên tôi nghĩ là những gì tôi đề cập ở đây liên quan đến luận điểm rằng: việc lựa chọn tên gọi này là phức tạp hơn rất nhiều so với những gì có thể tìm thấy ở các công trình tiếng Anh về chủ đề này.
Chỉ có một người duy nhất có thể kết nối tên gọi này với vương quốc cổ Nam Việt của Triệu Đà là Tôn Ngọc Đình, tổng đốc Quảng Tây, chứ không phải hoàng đế nhà Thanh hay bất cứ ai ở Việt Nam.
(Vũ Đức Liêm dịch)

Nguồn: http://leminhkhai.wordpress.com/2013/08/26/how-viet-nam-became-viet-nam

Nguồn bản dịch: https://www.facebook.com/nguyen15581885/posts/564724820247949

Đại Nam Nhất Thống Toàn Đồ và việc vẽ bản đồ sông Mekong

27 Aug

Đại Nam Nhất Thống Toàn Đồ và việc vẽ bản đồ sông Mekong
By Le Minh Khai
Tôi đã đề cập trong một bài post dưới đây về nguồn gốc của Đại Nam Nhất Toàn Đồ. Tôi thấy nó nhiều lần và nó thường được đề cập đề cập với niên đại khoảng 1830s, nhưng tôi chưa bao giờ được biết về nguồn của tấm bản đồ này. Tôi chỉ tìm thấy nó được xuất bản lại trong các công trình khác, như là Nam Bắc Kỳ Hội Đồ.

bando
Cuối cùng tôi quyết định tìm hiểu qua vấn đề này và tìm thất tấm bản đồ này xuất hiện trong một công trình năm 1929, của P.A. Lapique, là A Propos des Iles Paracels. Thêm nữa, ở dưới tấm bản đồ đề cập đến việc nó được dẫn từ Hoàng Việt Địa Dư trong thời Minh Mạng (1830s).
Có nhiều vấn đề với sự xác nhận này, và một số học giả đã lưu ý về nó. Đầu tiên, chúng ta không có bằng chứng về việc Hoàng Việt Địa Dư có chứa có các bản đồ. Thứ hai, một số khái niệm trên bản đồ chỉ được sử dụng ở giai đoạn sau đó. Vì thế, một thảo luận liên quan đến tấm bản đồ này mà tôi đã đọc kết luận rằng tấm bản đồ phải có niên đại khoảng 1854 và 1875.
Tất cả điều này là hợp logic nhưng có một khía cạnh của tấm bản đồ này tôi chưa thấy bất cứ ai đề cập (dù có lẽ ai đó đã đề cập ở đâu đó và tôi chỉ chưa biết).
Đại Nam Nhất Thống Toàn Đồ có sông Mekong chảy qua ở bên phải, và dòng sông này vẫn chưa được khám phá ra đến tận năm 1860s.
Thêm nữa, khi xem xét (công trình mà tôi tin) là ghi chép được xuất bản lần đầu tiên của chuyến thám hiểm: Francis Garnier’s Voyage D’Exploration en Indo-Chine, xuất bản năm 1885, 12 năm sau khi Garnier qua đời. Tôi phát hiện ra rằng không có bản đồ của sông Mekong trong công trình này.
Vì thế điều này khiến tôi tò mò xem tấm bản đồ đầu tiên về sông Mekong xuất hiện khi nào. Tôi vẫn chưa có câu trả lời, nhưng một điều tôi nhận ra là sông Mekong bắt đầu xuất hiện trên bản đồ rất lâu trước khi người ta thực sự hiểu về nó và thực sự có thể “vẽ bản đồ” về nó.
Tấm bản đồ 1764 (Carte des royaumes de Siam, de Tunquin, Pegu, Ava Aracan, &c.) có sông Mekong, nhưng rất không chính xác.
Tấm này từ 1780 (Les Isles Philippines, celle de Formose, Le Sud de La Chine, Les Royaumes de Tunkin. . .) chính xác và thực tế hơn. Nhưng làm thế nào mà điều này diễn ra? Liệu có ai đó đã đến và vẽ bản đồ khu vực này một cách chính xác hơn giữa những năm này?
Và sau đó có một tấm bản đồ năm 1864 (Bản đồ của đế quốc Myanmar bao gồm cả Siam và Cochinchina (Hạ lưu sông Mekong), Tong-king (Bắc Kỳ) và Malaysia. J…). Nó được tạo ra trước khi chuyến thám hiểm của người Pháp ở Sông Mekong diễn ra. Tấm bản đồ mô tả vùng này khá chi tiết và nếu bạn đọc về các ghi chép của cuộc hành trình, những người thám hiểm nhiều lần lúng túng về các địa điểm mà họ đi qua.
Bản đồ của Việt Nam thế kỷ XIX cũng mô tả về Mekong, nhưng không chuẩn xác lắm.
Điều này dẫn chúng ta về Đại nam nhất Thống Toàn Đồ. Điều chắc chắn 100% là tấm bản đồ này của Việt Nam. Thực tê tôi muốn lập luận rằng đó là tấm bản đồ được tập hợp được nhiều nguồn khác nhau bằng cách kết hợp thông tin từ các tấm bản đồ sớm hơn của Việt Nam và bản đồ phương Tây.
Các chi tiết liên quan đến sông Mekong được mô tả là đến từ các bản đồ phương Tây. Và các đường xung quanh các hòn đảo dường như được truyền cảm hứng từ bản đồ phương Tây mà chúng ta không thấy nó ở bất cứ các bản đồ Việt Nam nào khác (như tôi biết).
Điều mà tôi vẫn chưa rõ là liệu Đại Nam Nhất Thống Toàn Đồ, ở góc độ nào đấy, dựa vào một bản đồ phương Tây được tạo ra trước hoặc sau sông Mekong được hoàn toàn khám phá.
Chấp nhận rằng người phương Tây đã vẽ các bản đồ về dòng sông này trước khi nó hoàn toàn được khám phá , nên có thể Đại Nam Nhất Thống Toàn Đồ có thể được tạo ra giữa 1854 và 1875. Thực tế, có những nỗ lực nghiêm túc thực sự trong những năm này nhằm cung cấp thông tin địa lí của vương quốc.
Nếu như đó là điều đã diễn ra, thực tế, thì chúng ta cần phải có sự hoài nghi thực sự về những điều nó mô tả và những điều mà những người vẽ bản đồ này thực sự biết rõ.
Nếu những người phương Tây làm ra tấm bản đồ này mà không thực sự biết rõ về lãnh thổ này, và nếu người Việt Nam sau đó làm ra những bản đồ phần nào dựa theo bản đồ phương Tây… vậy thì ở chừng mực nào đó, liệu những bản đồ này có thực sự mô tả thực tế?

Nguồn: http://leminhkhai.wordpress.com/2013/08/24/the-dai-nam-nhat-thong-toan-do-and-the-mapping-of-the-mekong/

(Vũ Đức Liêm dịch).

Nguồn bản dịch: https://www.facebook.com/nguyen15581885?fref=ts