Tạo ra những bản dịch sống động cho sách sử Việt Nam

18 Jun

Tạo ra những bản dịch sống động cho lịch sử Việt Nam

By Le Minh Khai

Người dịch: Hoa Quốc Văn

 

Tôi đã viết khá nhiều trên blog này về sự “có vấn đề” với những bản dịch tiếng Việt hiện đại các tư liệu lịch sử vốn viết bằng chữ Hán cổ (Hán).

Gần đây khi đọc cuốn Ngàn năm áo mũ của Trần Quang Đức, tôi thấy rằng tác giả cũng đã chỉ ra điểm này. Trong trường hợp của anh, nguyên nhân các bản dịch tiếng Việt hiện đại có vấn đề là bởi những người thực hiện các bản dịch đơn giản là không sở hữu những kiến thức đầy đủ về trang phục trong quá khứ để có thể dịch từ chữ Hán [ra tiếng Việt] một cách chính xác.

Hoàn thành nhiều nghiên cứu về chủ đề này, Trần Quang Đức có thể dịch những đoạn văn đó một cách chính xác, và trong sách của mình anh đã đính kèm như một phụ lục bản dịch của chính anh phần ghi chép có liên quan đến trang phục của An Nam chí lược.

Điều đó thật tuyệt, tuy nhiên trừ phi ai đó đọc An Nam chí lược có biết rằng Trần Quang Đức đã dịch lại đoạn văn đó [trong sách của mình], còn thì người ta không bao giờ biết rằng có những vấn đề với phần viết về trang phục trong cuốn sách kia, và sẽ không biết có một bản dịch tốt hơn. Vì vậy, nếu chỉ dịch lại một phần của một văn bản và đặt nó ở một nơi mà nhiều người không bao giờ thấy thì thực sự đó không phải là cách có hiệu quả để nâng cao hiểu biết [chung].

Có cách nào tốt hơn không? Có, có đấy!!

Vài năm trước đây tôi đã có một ý tưởng về việc tạo ra một trang web chứa những bản dịch sống động. Ý tưởng của tôi là đưa lên một trang web cả bản dịch tiếng Anh của văn bản vốn viết bằng chữ Hán cổ và nguyên bản chữ Hán mà tôi dựa vào để dịch (ở đây), và rồi để cho người khác bình luận về các bản dịch.

Về cơ bản tôi nghĩ đó là một cách tốt, khiến mọi người chỉ ra những lỗi trong các bản dịch của mình, hay trong nguồn nhập văn bản Hán, hay đơn giản là cung cấp những bản dịch khác cho những đoạn văn khó hiểu, và cho những chỗ mà tôi không thể chắc chắn 100% trong cách dịch.

Quá trình để cho độc giả đóng góp vào việc biên tập hay sáng tạo các văn bản này được gọi là “chụm nguồn” (“crowdsourcing”) và nó là một kĩ thuật mà ngay cả các nhà xuất bản giờ đây cũng đang bắt đầu áp dụng, khi một số nhà xuất bản hiện tại đang đưa các cuốn sách lên mạng để người ta bình luận trước, trước khi chúng được duyệt lại để xuất bản dưới hình thức sách in (và ebook).

Tuy nhiên, khi tôi đang thực hiện các bản dịch, tôi đã không có hiểu biết về việc tạo ra một trang web có thể hiện thực hóa ý tưởng trên.

Và bây giờ chúng ta không cần kiến thức đó nữa bởi vì có một công cụ miễn phía dành cho WordPress có thể làm điều đó.

Được gọi là “CommentPress”, nó cho phép người đang dùng phần mềm WordPress có thể tạo ra một trang nơi người ta có để đặt văn bản ở bên tay trái của màn hình, và cho phép độc giả có thể viết bình luận về văn bản bên tay phải của màn hình.

Tôi mới dành ra 2 tiếng đồng hồ sáng này để cố gắng đưa nó vào hoạt động, nhưng tôi đã không thể thành công. Rồi cuối cùng tôi nhận ra rằng nó không hoạt động với phiên bản free của WordPress mà tôi dùng – WordPress.com (tôi ước tôi có thể chỉ ra điều đó sớm hơn một chút…). Thay vào đó, người ta cần phải hoặc trả tiền nâng cấp để có thể tùy nghi sử dụng WordPress.com hoặc người ta cần phải dùng WordPress.org.

WordPress.org là miễn phí, tuy nhiên bạn phải cài đặt nó trên server của riêng bạn (cái này không miễn phí, nhưng có không hề đắt nếu bạn dùng một dịch vụ như GoDaddy.com). Tôi chưa thực sự nghiên cứu cái này, nhưng tôi nghĩ việc tùy nghi sử dụng WordPress.com hay dùng GoDaddy.com để có được một tên miền và các dịch vụ host sẽ nằm vào khoảng 100USD năm (nếu một độc giả hiểu biết nào đọc bài này, có thể đính chính lại nếu tôi sai).

Giá đó đắt đối với một sinh viên nghèo, nhưng không quá đắt cho một cơ quan. Cuối cùng, nhiều cơ quan đã có miền server [riêng], trong trường hợp nào, họ cũng có thể dùng WordPress.org trên server hiện có của họ.

dvsktt

Vì vậy, quay trở lại các bản dịch tiếng Việt, cái tôi cần làm để khiến cho tri thức con người được nâng cao là tạo ra một trang dành cho “những bản dịch sống động” (tức là, những bản dịch “sống” bởi chúng luôn luôn có thể được cập nhật bởi những người để lại những lời bình luận) của những công trình lịch sử của Việt Nam. Hình ảnh trên đây là một ví dụ về diện mạo tương lai của nó.

Tôi không chắc liệu nó có khiến các nhà xuất bản tức giận hay không (trên thực tế, người ta đã có thể dễ dàng tìm thấy những bản dịch tiếng Việt trên mạng…) nhưng tôi nghĩ rằng nó thực sự có thể hỗ trợ các nhà xuất bản.

Bằng cách nào? Như thế này này:

Bạn đưa nguyên bản Đại Việt sử kí toàn thư và bản dịch tiếng Việt hiện đại trên một trang WordPress có dùng CommentPress. Bạn để cho mọi người bình luận về bản dịch đó chừng ít năm.

Rồi bạn để ai đó, hoặc một nhóm người, xem xét những bình luận đó, và rồi bạn “cập nhật” phiên bản Đại Việt sử kí toàn thư hiện tồn và xuất bản thành một “Phiên bản cập nhật, mới, 2015”!!!

Điều đó sẽ khiến cho phiên bản in của cuốn sách lôi cuốn hơn, và việc biên tập được hoàn thành miễn phí, bởi vì nó là “nguồn chung”. Cái giá duy nhất sẽ nằm trong việc mượn ai đó xem xét toàn bộ các bình luận và nguồn nhập vào để thấy những thay đổi mà họ chấp nhận.

Một “bản dịch sống động” và một bản dịch dưới dạng in hay ebook nên để ở khả năng cùng tồn tại. Sẽ là thú vị khi đọc một cuốn sách hay ebook hơn nhiều so với đọc một  văn bản với nhiều ngôn ngữ và bình luận. Tuy nhiên, với mục đích học thuật, những văn bản đa ngữ là rất quan trọng. Và sẽ là đặc biệt giá trị khi có thể thấy những bình luận mà mọi người viết, ở đó họ đề nghị nhiều bản dịch chính xác hơn (chẳng hạn những người như Trần Quang D Dức sẽ bình luận ở những đoạn có lỗi trong các bản dịch [các tư liệu] viết về trang phục).

Thư viện Quốc gia Việt Nam và Quỹ Bảo tồn chữ Nôm Việt Nam đã tạo ra một phiên bản đa ngữ của Đại Việt sử kí toàn thư, nhưng nó “đóng băng trong thời gian”. Những gì sai lầm trong bản dịch đó không thể thay đổi được.

Chúng ta nên có khả năng thay đổi những lỗi như thế, và để làm như vậy bằng một cách khiến cho người khác có thể dễ dàng thấy được những biến đổi (hơn là xuất bản chúng dưới dạng những cuốn sách mà mọi người có thể không bao giờ gặp). Giờ đây chúng ta có thể dễ dàng làm điều đó. Tất cả những gì chúng ta cần, đối với ai đó hay tổ chức nào đó, là hướng dẫn và thực hiện nó.

Nguồn: http://leminhkhai.wordpress.com/2013/06/03/creating-living-translations-for-vietnamese-history/

Leave a comment